desikamaveri.com antarvasna2023.net hinditamilsexstories.com xhindistory.com hothindistroies.com

Bệnh tiểu đường và tác dụng của Dây thìa canh

I. Khái quát về bệnh Tiểu đường (Đái Tháo Đường)

1. Bệnh tiểu đường

a. Bệnh tiểu đường là gì?

Đái tháo đường, còn gọi là bệnh tiểu đường, đây là một nhóm bệnh do rối loạn chuyển hóa cacbohydrat, mỡ và protein khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hoặc  tác động yếu trong cơ thể, được biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao; Ở giai đoạn mới phát bệnh nhân thường đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó gây khát nước.

b. Thực trạng bệnh tiểu đường tại nước ta

Tại hội thảo khoa học “Công bố kết quả nghiên cứu cấp bộ và chuyển giao vùng trồng dây thìa canh lá to sản xuất chế phẩm DKBetics trong hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường” diễn ra ngày 6/5/2019, GS.TS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết đái tháo đường Việt Nam, cho biết: “Năm 2017, trên thế giới, cứ 11 người trưởng thành (từ 20-79 tuổi) có 1 người bị đái tháo đường (425 triệu người).

Trong đó, hơn 50% người bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán và điều trị (trên 212 triệu người). Ở Việt Nam, hiện có khoảng 3,6 triệu người bị đái tháo đường, tăng gấp 10 lần so với 10 năm trước đây và dự báo con số này sẽ tăng lên 6,2 triệu vào năm 2040. Bệnh tiểu đường được coi là kẻ sát nhân thầm lặng khi đang là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 chỉ sau tim mạch và ung thư với 80 ca tử vong/ngày.

Bệnh đái tháo đường tuýp 2 thường gặp ở những người lớn tuổi từ 40 tuổi trở lên, tuy nhiên, hiện nay tại nhiều cơ sở y tế tiếp nhận trẻ từ 9 tuổi mắc đái tháo đường tuýp 2. Hiện nay, bệnh đái tháo đường đang trở thành vấn nạn của thế kỷ 21”

2. Phân loại và các dấu hiệu của bệnh tiểu đường

Bệnh đái tháo đường có 3 dạng là tiểu đường tuýp 1, tuýp 2, tiểu đường thai kỳ. Đây là căn bệnh khá phổ biến hiện nay và ai cũng có thể mắc phải kể cả trẻ nhỏ

a. Tiểu đường tuýp 1

Tiểu đường tuýp 1 là gì?

Tiểu đường type 1 là căn bệnh gây ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể quay lại tấn công chính những tế bào sản xuất insulin của cơ thể. Chúng phá hủy đảo tụy, nơi hooc-môn quan trọng này được được sản xuất. Khi đó, cơ thể sẽ sản xuất mức thấp hoặc ngừng hẳn quá trình tiết ra insulin.

Trong một cơ thể bình thường, insulin là tác nhân duy nhất có thể hạ lượng đường trong máu. Nó cho phép đường đi vào các tế bào. Nhưng nếu insulin không có mặt đủ trong cơ thể, đường tích tụ lại trong máu sẽ là một vấn đề nghiêm trọng. Bệnh tiểu đường và các biến chứng nghiêm trọng của nó sẽ hình thành

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 1

Một số triệu chứng mà các bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 gặp phải:
– Cảm thấy khó chịu, hoa mắt chóng mặt một cách thường xuyên
– Thường xuyên cảm thấy khát nước và muốn uống nước
– Cân nặng giảm nhiều mà không rõ lý do.
– Có cảm giác đói quằn quại.
– Đi tiểu nhiều vào ban đêm.

b. Tiểu đường tuýp 2

Tiểu đường tuýp 2 là gì?

Người già là đối tượng chủ yếu mắc tiểu đường tuýp 2. Ở lứa tuổi này, chế độ ăn uống không hợp lý, kèm theo đó là tình trạng kiểm soát đường huyết không tốt nên gây rối loạn chuyển hóa và dẫn đến bệnh tiểu đường.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2

Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một bệnh rất nghiêm trọng. Rất khó để nhận biết những biểu hiện của bệnh này. Thường thì bệnh nhân biết mình có bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc có biểu hiện ở giai đoạn nặng.

Ở người bị bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng thấy xuất hiện các triệu chứng khá giống với tiểu đường tuýp 1 như luôn cảm thấy mệt mỏi do cơ thể không còn khả năng sử dụng glucose để tạo năng lượng mà phải dùng tới mỡ trong cơ thể; người bệnh bị giảm cân nhanh mà không rõ lý do. Ngoài ra, bệnh còn được biểu hiện bằng các dấu hiệu đặc trưng sau:

– Cảm giác nhanh đói khiến ăn nhiều hơn: đây là một biểu hiện rất riêng của bệnh tiểu đường tuýp 2 khi  nồng độ insulin cao trong cơ thể khiến họ luôn thấy đói.

– Vết thương lâu lành: bạch cầu hoạt động bất bình thường do lượng đường trong máu quá cao, khiến cơ thể giảm khả năng bảo vệ khi bị vi trùng, vi khuẩn tấn công.

– Nhiễm trùng: hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tiểu đường suy giảm khiến cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng, nấm sinh dục, nhiễm trùng da,…

– Rối loạn tình dục: biểu hiện qua các chứng bệnh ở cả nam giói và nữ giới như xuất tinh sớm, rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục,…

– Mắt bị mờ dần có thể dẫn tới mù

c. Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là gì

Tiểu đường thai kỳ là căn bệnh chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai bắt đầu từ tuần thứ 22. Thường thì bệnh  sẽ tự hết sau khi sinh con. Tuy nhiên những biến chứng của bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Người mẹ có đường huyết cao sẽ rất dễ bị tiền sản giật, băng huyết sau sinh, sinh non, sảy thai và những lần mang thai tiếp theo cũng sẽ rất dễ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.

Khi mẹ bị tiểu đường thai kỳ thì cân nặng của các bé sẽ tăng nhanh chóng, khiến cho việc sinh nở gặp rất nhiều khó khăn. Nguy hiểm hơn là trẻ sẽ có khả năng gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như dị tật bẩm sinh, suy đường hô hấp, vàng da,… thậm chí là tử vong. Nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, bệnh tiểu đường thai kỳ có thể xảy ra biến chứng thành bệnh tiểu đường tuýp 2.

Triệu chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ chỉ được phát hiện khi bệnh nhân ở tuần thai thứ 22. Lúc này, các mẹ sẽ gặp phải các triệu chứng như:

– Luôn trong tình trạng khát nước, uống nước nhiều.
– Thường xuyên đi tiểu về đêm và cảm thấy khó chịu ở vùng bụng.
– Thường bị hoa mắt, chóng mặt, suy nhược cơ thể.
– Có dấu hiệu thèm ăn và luôn cảm thấy đói.

3. Bệnh tiểu đường có nguy hiểm không?

Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) là một căn bệnh nguy hiểm và đang gia tăng nhanh. Hiện nay, tại Việt Nam vào năm 2017 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh theo báo cáo của Hiệp Hội Đái tháo đường Thế giới IDF Diabetes Atlas, và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2045.

Tiểu đường thường dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm khác, điển hình là bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, hoại tử bàn chân….

Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ tử vong cao như ung thư, HIV… Trước đây, người mắc bệnh tiểu đường coi như cầm bản án tử hình trong tay, nhưng giờ đây nếu biết kiểm soát đường huyết tốt, bệnh nhân tiểu đường hoàn toàn có thể sống chung với bệnh tiểu đường mà không lo biến chứng và tử vong.

4. Bệnh tiểu đường có chữa khỏi được không?

Theo các bác sĩ, tiểu đường là căn bệnh mãn tính, cho đến thời điểm này vẫn không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Người bệnh chỉ có thể sống chung cả đời với bệnh tật. Nếu bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết có thể gặp các biến chứng nặng như mù mắt, hoại tử phải cắt bỏ chân, tay, suy thận, thậm chí tử vòng. Tuy nhiên, nhờ sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật nên đã có rất nhiều thuốc và các chế phẩm giúp ổn định đường huyết, ngăn ngừa biến chứng tiểu đường, hạn chế tử vong.

Bệnh nhân tiểu đường phải dùng thuốc trường kỳ và tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

II. Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường

1. Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường

Nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường chủ yếu do thiếu insulin, tiểu đường tuýp 1 do hàm lượng insulin trong cơ thể bị thiếu hụt, bệnh tiểu đường tuýp 2 do bài tiết không đủ nhu cầu của cơ thể. Hai nguyên nhân này sẽ gây ra hiện tượng đường thiếu hụt trong máu gây bệnh tiểu đường.

Nguyên nhân chủ yếu của sự bùng nổ bệnh đái tháo đường là do chế độ ăn uống, vận động không hợp lý của lối sống xã hội hiện đại bên cạnh các yếu tố về di truyền. Trong lối sống hiện đại, những trẻ trong gia đình khá giả, hay ăn đồ ăn nhanh, lối sống ít vận động dẫn tới béo phì, từ béo phì gây nên bệnh đái tháo đường.

2. Những ai có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

a. Người béo phì

Trong cơ thể người, béo phì tồn tại một trạng thái bệnh lý đặc thù gọi là chất đề kháng insulin. Số lượng insulin thụ thể trên màng tế bào bị giảm sút; chức năng của từng thụ thể đơn lẻ cũng bị suy giảm; những thụ thể sau khi được insulin kích hoạt, chức năng truyền tín hiệu vào sâu bên trong tế bào lại bị tổn thương; số lượng phân tử vận chuyển glucose giảm; chức năng gan chuyển hóa glucose thành đường nguyên chất để tồn trữ lại không bảo đảm… Với những nguyên nhân như trên, chất đề kháng insulin được sản sinh ra, lượng glucose trong máu vì thế rất khó chuyển vào tế bào, đây chính là hiện tượng đề kháng insulin.

Với người béo phì, thời kỳ đầu mới phát béo, chức năng sản xuất insulin còn bình thường nhưng dần dần do sự đề kháng insulin tăng lên làm hiệu quả hoạt động của chất này giảm sút. Để khắc phục hiện tượng này, tuyến tụy phải hoạt động quá sức dẫn đến chức năng sản sinh ra insulin ở tụy giảm dần, lúc này insulin trong cơ thể sẽ không đủ để duy trì việc chuyển hóa đường trong máu ở mức bình thường nữa. Do vậy đái tháo đường xuất hiện.

b. Người bị mỡ bụng, stress

Các nhà khoa học đã đưa ra kết luận, mỡ bụng tích tụ nhiều đi kèm với stress thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường.

c. Những người làm việc văn phòng, ít vận động

PGS.TS Tạ Văn Bình, Giám đốc bệnh viện Nội tiết và Đái tháo đường Quốc gia nhấn mạnh, những người làm các công việc ít vận động như làm tại văn phòng, bệnh viện… dễ mắc bệnh đái tháo đường. Cũng theo PGS Bình, những người ít vận động này mắc bệnh đái tháo đường cao gấp 3 lần những người lao động chân tay.

d. Người bị sỏi thận

Theo nghiên cứu phát hiện ra rằng trong số hơn 94.000 người Đài Loan (TQ) trưởng thành, những người có tiền sử sỏi thận dễ có chẩn đoán tiểu đường hơn 30% trong vòng 5 năm so với những người không bị sỏi thận.

Trong số hơn 23.000 người không được điều trị sỏi thận, 12,4% bị tiểu đường, dựa trên hồ sơ bệnh án, so với 9,6% trong số 70.700 người trưởng thành không bị tiểu đường được nghiên cứu để so sánh.

Tiểu đường và sỏi thận có một số yếu tố nguy cơ giống nhau – bao gồm béo phì và cao tuổi.

Tuy nhiên, thậm chí khi các nhà nghiên cứu tính đến độ tuổi, béo phì và các yếu tố nguy cơ sức khỏe khác thì sỏi thận vẫn có liên quan với tăng 30% nguy cơ tiểu đường.

e. Những người ăn nhiều thịt đỏ

Các đối tượng tham gia nghiên cứu có khẩu phần ăn hàng ngày là 100g thịt đỏ như bít-tết hay thịt bò băm viên thì khoảng 20% tiến triển thành bệnh đái tháo đường. Những đối tượng chỉ ăn 1/2 số lượng thịt đã chế biến này như 2 lát thịt lợn muối hoặc 1 cái xúc xích thì đến 51% có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Theo các nhà nghiên cứu đối với thịt đã chế biến, chất bảo quản có chứa một hàm lượng cao nitrate có khả năng làm tăng nguy cơ đề kháng với insulin. Tiền đái tháo đường thường xảy ra khi tế bào của cơ thể trở nên đề kháng với tác dụng của insulin. Hơn nữa, thịt đỏ còn chứa một hàm lượng sắt rất cao nên khi kết hợp với số lượng sắt dự trữ trong cơ thể đã làm tăng nguy cơ gây bệnh đái tháo đường týp 2.

III. Biến chứng của bệnh tiểu đường

1. Biến chứng mãn tính

Là những biến chứng sinh ra do lượng đường trong máu tăng cao mãn tính, cơ thể bị rối loạn chuyển hóa chất đường, chất đạm và chất béo, từ đó làm suy giảm chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể.

a. Biến chứng mắt

Tiểu đường làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp nhưng nguy hiểm nhất vẫn là bệnh võng mạc đái tháo đường. Đây là nguyên nhân chính gây mù lòa ở người tiểu đường.

Bệnh võng mạc đái tháo đường

Võng mạc là lớp màng nằm sâu trong đáy mắt chứa rất nhiều mạch máu nhỏ (vi mạch), dây thần kinh, có chức năng thu nhận, dẫn truyền tín hiệu gửi lên não bộ giúp bạn có thể nhìn thấy mọi vật.

Khi đường máu tăng cao, các vi mạch bị phù nề, xuất huyết kết hợp với sự tổn hại dây thần kinh tại đáy mắt có thể gây mù lòa.
Bệnh võng mạc diễn biến theo 2 giai đoạn:

+ Bệnh võng mạc chưa tăng sinh: Đây là giai đoạn đầu của biến chứng tiểu đường lên mắt. Người bệnh có thể đột nhiên không nhìn rõ kèm theo triệu chứng mờ mắt, nhức hốc mắt hoặc thấy các đốm đen lởn vởn như ruồi bay trước mắt.

Nếu được phát hiện, điều trị sớm, thị lực sẽ được phục hồi. Nhưng ở giai đoạn này, phần lớn người bệnh không hay biết đó là tổn thương mắt do tiểu đường.

+ Bệnh võng mạc tăng sinh: Sau khi võng mạc bị xuất huyết, cơ thể sẽ thích nghi bằng cách tạo ra mạch máu mới.

Những mạch máu mới dễ vỡ, tạo thành sẹo trên võng mạc, khiến việc phục hồi thị lực trở nên khó khăn. Nguy hiểm hơn, các mô sẹo còn có thể co kéo gây bong, rách võng mạc và dẫn đến mù lòa ở người bệnh tiểu đường.

Người tiểu đường có nguy cơ bị tăng nhãn áp cao gấp đôi người bình thường. Nếu không điều trị kịp thời, tăng nhãn áp không chỉ làm giảm sút thị lực mà còn gây mù lòa vĩnh viễn.

Phần lớn trường hợp đục thủy tinh thể ở người tiểu đường là do khi đường huyết tăng cao, một phần glucose chuyển thành đường sorbitol.
Loại đường này tích tụ ở mắt khiến protein trong dịch kính bị lắng cặn, làm cho người bệnh nhìn không rõ, mắt mờ như có màn sương mù phía trước, cuối cùng là đục nhân mắt, phải mổ thay thủy tinh thể mới nhìn thấy được.

Cách phòng ngừa biến chứng mắt đái tháo đường

Biến chứng mắt đái tháo đường thường khó phát hiện, các dấu hiệu thường dễ dàng bị bỏ qua. Khi các triệu chứng đã quá rõ ràng và nặng thì bệnh nhân mới phát hiện bị biến chứng võng mạc đái tháo đường. Để phòng ngừa tốt nhất biến chứng này, bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ các cách sau:

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng đái tháo đường.
Tầm soát thường xuyên biến chứng võng mạc đái tháo đường, khám đáy mắt trung bình khoảng 1 năm 1 lần để kiểm soát biến chứng kịp thời.
Hạn chế các yếu tố nguy cơ gây tăng cao khả năng biến chứng như mỡ máu, tăng huyết áp,…
Tuân thủ chế độ dinh dưỡng và luyện tập lành mạnh dành cho bệnh nhân đái tháo đường.
Luôn luôn kiểm soát đường huyết của mình theo các chỉ dẫn của bác sĩ.

b. Biến chứng tim mạch

Mặc dù các biến chứng về tim mạch như tăng mỡ máu, cao huyết áp, xơ động mạch ngoại vi gây tắc mạch là hệ lụy khó tránh của đái tháo đường, tuy nhiên không phải là không có cách phòng ngừa cho những biến chứng này.

Làm sao để có thể phòng tránh?

Hãy kiểm soát tốt các chỉ số của cơ thể, bao gồm đường huyết, mỡ trong máu và huyết áp. Kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng khoa học với giải pháp dinh dưỡng chuyên biệt cho người bị tiểu đường qua sản phẩm hỗ trợ như Glucerna.

c. Biến chứng thần kinh

Biến chứng thần kinh do đái tháo đường là gì?

Bệnh thần kinh do đái tháo đường là những tổn thương xảy ra trên dây thần kinh xảy ra do tình trạng đường huyết tăng cao và kéo dài. Mọi sợi thần kinh trên toàn cơ thể đều có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những biểu hiện rõ rệt nhất thường là ở các dây thần kinh chi trên và chi dưới.

Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh thần kinh do đái tháo đường?

Những tổn thương vi thể trên dây thần kinh và mạch máu nuôi dây thần kinh là yếu tố chủ chốt gây ra loại biến chứng tiểu đường này.

Nếu nồng độ đường trong máu kiểm soát quá kém trong một thời gian kéo dài, môi trường ưu trương do glucose huyết tăng cao làm tổn thương vỏ bao thần kinh, giảm vận tốc dẫn truyền thần kinh. Song song đó, các mạch máu nhỏ nuôi thần kinh cũng chịu biến chứng mạch máu của tiểu đường. Chúng suy giảm chức năng cung cấp oxygen và các chất dinh dưỡng cho dây thần kinh, về lâu dài sợi dây thần kinh cũng suy mòn.

Ngoài ra, có nhiều giả thiết khác cũng góp phần làm tổn thương dây thần kinh ở bệnh nhân đái tháo đường như tình trạng viêm ở thần kinh do tăng phản ứng tự miễn ở cơ địa người tiểu đường, do yếu tố di truyền, yếu tố hút thuốc lá, nghiện rượu…

Bên cạnh đó, nhiều quan sát trên số lượng lớn bệnh nhân đã ghi nhận là thời gian bị bệnh đái tháo đường càng lâu, nhất là khi glucose huyết không đạt mục tiêu, càng tăng nguy cơ bị bệnh thần kinh. Nhóm người mắc bệnh từ 25 năm trở lên cho thấy tỷ lệ bị biến chứng thần kinh rất cao. Đồng thời, bệnh thận mạn cũng là một trong những biến chứng thường gặp của đái tháo đường. Khi đó, chức năng thận bị suy giảm, nhiều trường hợp đòi hỏi cần điều trị thay thế thận do các độc chất, sản phẩm của chuyển hóa tăng lên trong máu có thể làm tổn thương thêm dây thần kinh.

Biến chứng thần kinh do đái tháo đường biểu hiện như thế nào?

-Biến chứng thần kinh ngoại biên

Đây là biểu hiện thường gặp nhất và bàn chân hai bên là nơi có triệu chứng đầu tiên. Sau đó, triệu chứng sẽ lan dần lên cẳng chân hay xuất hiện thêm ở bàn tay. Triệu chứng thường đối xứng cả hai bên chi. Bệnh nhân thường có cảm giác:

+ Tê, giảm nhận biết cảm giác đau, nóng lạnh, đặc biệt ở bàn chân. Người bệnh thường xuyên đi rớt dép, giẫm đạp vật nhọn, bị vết thương mà không hề hay biết.
+ Cảm giác châm chích, bỏng rát.
+ Cảm giác đau buốt, thường tăng về đêm.
+ Đau khi bước đi.
+ Đôi khi bệnh nhân có triệu chứng tăng cảm: dù chạm nhẹ bệnh nhân cũng cảm + thấy đau rất nhiều.
+ Yếu cơ và đi lại khó khăn.
+ Loét chân, nhiễm trùng, biến dạng bàn chân, đau ở xương khớp khi bệnh đã diễn tiến nặng

-Biến chứng thần kinh tự chủ

Do thần kinh tự chủ là hệ thống điều khiển nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể, triệu chứng của bệnh sẽ thay đổi tùy cơ quan bị tổn thương. Cụ thể là:

+ Ở mắt: đồng tử mất phản xạ với ánh sáng, bóng tối, hay bị chói mắt
+ Ở hệ tiêu hóa: dạ dày co thắt chậm lại nên bệnh nhân hay cảm thấy đầy bụng sau khi ăn; có cảm giác nghẹn, nuốt khó, buồn nôn, nôn mửa, mất cảm giác ngon miệng; táo bón hoặc tiêu chảy, nhất là tiêu chảy về đêm hoặc táo bón xen lẫn với tiêu chảy.
+ Ở hệ tim mạch: nhịp tim nhanh khi nghỉ, hạ áp tư thế (khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi hoặc đứng đột ngột, người bệnh cảm thấy chóng mặt, choáng váng, đôi khi ngất xỉu do huyết áp hạ thấp). Đồng thời, bệnh nhân mất cảm giác báo động khi bị hạ glucose huyết như cảm thấy đói, đổ mồ hôi, lo sợ, tim đập nhanh…; do đó, nếu không kịp điều trị (ví dụ ăn, uống nước đường), người bệnh có thể hôn mê nhanh.
+ Ở hệ niệu, sinh dục: ứ đọng nước tiểu trong bàng quang (còn gọi là bàng quang thần kinh) lâu ngày dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu. Bệnh nhân cũng có thể đi tiểu nhiều lần, khó nhịn tiểu. Rối loạn cương ở nam giới, giảm khoái cảm ở phụ nữ, khô âm đạo.
+ Ở da: tăng hoặc giảm tiết mồ hôi, rối loạn điều chỉnh thân nhiệt, nóng lạnh thất thường.

– Các tổn thương thần kinh khác
Các trường hợp hiếm gặp là biến chứng thần kinh chỉ xảy ra trên một dây thần kinh, gây bệnh đơn thần kinh (còn gọi là bệnh thần kinh cục bộ) với các triệu chứng thường gặp là nhìn đôi, đau sau hốc mắt nếu tổn thương dây thần kinh vận nhãn; liệt mặt, méo miệng, nói khó do tổn thương dây thần kinh mặt một bên; đau ở cẳng chân, bàn chân, đau mặt trước đùi, đau vùng ngực, đau bụng… khi tổn thương các sợi cảm giác tương ứng vùng chi phối.

Nếu biến chứng thần kinh do đái tháo đường ảnh hưởng vừa dây và rễ thần kinh thì biểu hiện bệnh đám rối-rễ thần kinh. Biến chứng này thường gặp người lớn tuổi bị đái tháo đường type 2 và triệu chứng thường xảy ra ở một bên hay đôi khi ở hay bên với các tổn thương ở đùi, hông, mông, cẳng chân. Người bệnh đau nhiều xuất hiện thình lình ở đùi, bụng, cơ đùi yếu và teo, khó khăn khi thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng…

Điều trị và phòng ngừa biến chứng thần kinh do đái tháo đường

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, cần tuân thủ nghiêm túc chế độ ăn và tập luyện dành cho người bệnh tiểu đường; liệu trình điều trị, tái khám định kỳ; thường xuyên tập luyện thể chất để duy trì cân nặng thích hợp, ngưng hút thuốc và hạn chế bia rượu. Nên theo dõi huyết áp, đường huyết của bản thân tại nhà cũng như nhận biết sớm các dấu hiệu tổn thương thần kinh, cách quan sát và chăm sóc bàn chân kỹ lưỡng để tránh các vết loét, không làm nặng thêm các biến dạng bàn chân đã có.

Đối với người bình thường, cần thăm khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm tổng quát giúp phát hiện, điều trị sớm bệnh đái tháo đường, ngăn ngừa dẫn đến biến chứng thần kinh nói riêng và các biến chứng khác của tiểu đường, biến cố tim mạch nói chung.

. Biến chứng thận

Đặc điểm tổn thương thận ở người đái tháo đường

Biến chứng bệnh thận xuất hiện ở khoảng 20-40% có những dấu hiệu của bệnh đái tháo đường. Hiện đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh đái tháo đường và là nguyên nhân hàng đầu của bệnh thận mạn tính, suy thận.

Các dấu hiệu thường gặp: Thận to 140%, phù nề giãn rộng khoảng kẽ, dày màng đáy, xơ hóa cầu thận dạng nốt, tổn thương mạch máu.

Các tổn thương thận do đái tháo đường gây ra:

-Tổn thương cầu thận: Xơ hóa mạch thận lan tỏa, tổn thương dạng nốt, xơ hóa màng đáy cầu thận, xơ hóa ổ.
-Tổn thương mạch thận: Thoái hóa kính( hyalin hóa) lớp áo giữa mạch thận, xơ hóa mạch thận.
-Tổn thương tổ chức kẽ thận: Thoái hóa kính ống lượn gần, lắng đọng phức hợp glycogen( hội chứng Armami-Ebstein), teo ống thận, xơ hóa kẽ thận.

Một số lưu ý với bệnh thận đái tháo đường:

Lọc máu sớm hơn: Có chỉ định lọc máu khi mức lọc cầu thận dưới 10-15, đôi khi <15-20 ml/phút/1,73m2. Nguyên nhân là do suy thận nhanh hơn, biến chứng tim mạch nhiều hơn, hội chứng ure nặng hơn, tổn thương mắt nặng hơn.

Hiệu quả lọc thấp hơn, màng bụng chóng suy, lỗ dò động tĩnh mạch AVF ( Arterio Venous Fistula) chóng hỏng. Nhiều biến chứng hơn như nhiễm trùng, tăng huyết áp, hạ đường huyết…

Làm sao để phát hiện bệnh thận do đái tháo đường?

Có 3 phương pháp lấy nước tiểu để làm xét nghiệm: Lấy mẫu nước tiểu ngẫu nhiên ( thường là buổi sáng), lấy mẫu nước tiểu của cả ngày, lấy mẫu nước tiểu trong một khoảng thời gian nhất định ( 3-4h).

Trong giai đoạn đầu tiên, đạm niệu không có, lúc này nên làm kiểm tra 6 tháng/lần. Tuy nhiên, đạm niệu sẽ xuất hiện muộn hơn sau một thời gian. Đầu tiên là vi đạm niệu. Lượng vi đạm niệu này đo được tùy theo cách lấy nước tiểu, thường vào khoảng 30-299mg/24h hay 30-299 microgam/mg creatinin. Khi thấy có vi đạm niệu phải kiểm tra 3 tháng/lần và cần được điều trị đặc hiệu. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh sẽ chuyển sang loại đạm niệu lâm sàng, tức là đạm niệu lớn hơn 300mg/24h. Lúc này bệnh thận do đái tháo đường biểu hiện rõ rệt hơn.

Quá trình từ khi không có đạm niệu đến khi xuất hiện bệnh thận lâm sàng tùy thuộc vào thời gian phát hiện bệnh, thể bệnh đái tháo đường và chất lượng điều trị. Đạm niệu vi thể xuất hiện ở 40-50% bệnh nhân sau khi khỏi bệnh từ 10-15 năm. Nếu như không được can thiệp đúng sẽ có khoảng 20-40% chuyển thành bệnh thận lâm sàng sau 15-20 năm. Khi bệnh thận đã có những biểu hiện rõ ràng, khả năng lọc của thận giảm dần và trong vòng 5-10 năm sẽ chuyển thành suy thận giai đoạn cuối. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp, bệnh nhân đến bệnh viện khi đạm niệu nhiều, hay thận đã suy vì trước đó không đi kiểm tra và bệnh đái tháo đường âm ỉ tiến triển đã phá hủy hệ thống thận tiết niệu. Thêm nữa, việc điều trị không đúng, dùng thuốc sai chỉ định sẽ nhanh chóng làm bệnh thận nặng lên.

Tăng huyết áp cũng là một biểu hiện hay gặp trong bệnh thận đái tháo đường. Tăng huyết áp vừa là nguyên nhân cũng vừa là hậu quả của tổn thương thận. Chỉ số huyết áp có thể cao trung bình, cũng có thể cao thành từng cơn. Có khoảng 30% bệnh nhân đái tháo đường mới mắc có hiểu hiện tăng huyết áp và 70% bị tăng huyết áp trong giai đoạn bệnh thận nặng. Những người bệnh béo phì, lười vận động, ăn mặn thường có nguy cơ tăng huyết áp hơn nhiều lần.

Các biện pháp ngăn chặn tiến triển của bệnh thận do đái tháo đường

Kiểm soát huyết áp: (mục tiêu < 130/80mmHg) ưu tiên dùng thuốc ức chế men chuyển, ngoài ra để hạ huyết áp người bệnh có thể : điều trị rối loạn mỡ máu, hạn chế đạm trong thực đơn ăn uống, giảm cân nếu thừa cân, ăn nhạt, bỏ rượu, thuốc là và tập luyện thể dục đều đặn.

Kiểm soát đường huyết: luôn giữ đường huyết ổn định trong mức giới hạn cho phép (<7mmol/l lúc đói và < 10mmol/l sau ăn 2h.

Phòng ngừa biến chứng bệnh thận do đái tháo đường

Kiểm soát tốt đường huyết: Khi kiểm soát đường huyết tốt có thể ngăn chặn được bệnh thận tiến triển. Cần chú ý tới một số thuốc điều trị đái tháo đường thải trừ qua thận, nếu khi thận đã tổn thương có thể làm tăng các tác dụng phụ của thuốc.

Người bệnh cần được tư vấn điều trị phù hợp với từng giai đoạn của bệnh. Người bệnh cũng cần phải theo dõi nồng độ đường huyết HbA1c vì đây cũng là xét nghiệm nói lên sự tương quan giữa tổn thương thận và việc điều chỉnh đường huyết.

Kiểm soát tốt huyết áp và đạm niệu: Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống là phương thuốc hữu hiệu làm giảm tình trạng bệnh. Không hút thuốc lá, giảm cân, tăng cường hoạt động thể lực, tập thể dục đều đặn. Chế độ ăn nhạt, giảm mỡ không những làm giảm huyết áp mà còn làm giảm nguy cơ biến chứng tim mạch khác.

Các thuốc thường dùng là ức chế men chuyển đổi Angiotensin hay ức chế thụ thể ARB. Giảm huyết áp sẽ ngăn chặn nguy cơ biến chứng mạch máu lớn cũng như vi mạch, khống chế tốt huyết áp và đạm niệu sẽ làm chậm tiến triển bệnh thận do đái tháo đường.

e. Biến chứng nhiễm trùng

Đường trong máu cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, gây nên nhiễm trùng ở nhiều vùng trên cơ thể.

Làm sao để có thể phòng tránh?

Luôn giữ đường huyết cân bằng và vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là những vùng dễ nhiễm khuẩn như răng miệng, vùng kín hoặc tiết niệu. Nếu gặp dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, cơ thể có mùi khó chịu, tiểu buốt, có máu… hãy gặp bác sĩ ngay.

2. Biến chứng cấp tính

Đây là những biến chứng xảy ra đột ngột và có thể gây nên hậu quả đáng tiếc nếu không được xử lý kịp thời.

a. Hạ đường huyết

Bạn bị hạ đường huyết khi lượng đường trong máu giảm đột ngột dưới mức cho phép (khoảng 3.6 mmol/l). Nguyên nhân dẫn đến điều này có thể do:
– Bạn bị quá liều thuốc hạ đường huyết (thuốc uống hoặc tiêm insulin).
– Ăn uống kiêng khem quá mức hoặc uống thuốc khi chưa ăn.
– Tập luyện quá sức dẫn đến mệt mỏi.
– Uống nhiều rượu, bia.
Dấu hiệu hạ đường huyết khá dễ nhận biết, ví dụ như đói cồn cào, cơ thể uể oải mệt mỏi, chân tay bủn rủn, vã mồ hôi, choáng váng và tim đập nhanh.

Cách xử lý đối với các biến chứng đột ngột thế này:

Khi gặp dấu hiệu hạ đường huyết nhẹ hoặc trung bình, người mắc bệnh tiểu đường nên nhanh chóng dùng dinh dưỡng chuyên biệt cho người đái tháo đường như uống Glucerna, ăn kẹo bánh ngọt hay uống nửa ly nước trái cây, kiểm tra đường huyết sau 15 phút. Nếu đường huyết bình thường trở lại bạn tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng trước đó khi cảm thấy tỉnh táo hẳn.

Nếu hạ đường huyết nặng, bạn hãy đi cấp cứu ngay để được xử lý kịp thời

b. Hôn mê

Đường huyết quá cao có thể gây hôn mê đột ngột. Biến chứng này hay xảy ra đột ngột và cần phải được cấp cứu ngay lập tức.

Làm sao để có thể phòng tránh?

Cần kiểm soát tốt đường huyết của người bị đái tháo đường bằng thuốc men. Chế độ dinh dưỡng, chăm sóc cơ thể kỹ lưỡng và phòng tránh nhiễm khuẩn, chấn thương và stress cũng là yếu tố quan trọng cần được chú ý.

IV. Cách phòng tránh bệnh tiểu đường

1.Giảm cân tránh béo phì.

Theo kết quả nhiều công trình nghiên cứu, bệnh tiểu đường sẽ phát triển chậm để dễ điều trị hơn nếu bệnh nhân giảm được 5-7% trọng lượng của cơ thể. Giảm cân và hoạt động thể thao thường xuyên cũng giúp cơ thể có khả năng sản xuất insulin cao hơn – nguyên nhân chính để không mắc bệnh tiểu đường.gười giảm được 5-7% trọng lượng cơ thể.

2.Có chế độ ăn uống phù hợp

Chọn thực phẩm ít chất béo, đường và natri, thức uốc nên chọn những đồ uống ít calorie. Bạn hãy thay thế các thực phẩm làm từ gạo trắng bằng ngũ cốc hoặc gạo lứt, nếu điều kiện không cho phép, hãy cố gắng ăn ít các chất trên.

3.Đi bộ càng nhiều càng tốt

Nếu không có tác dụng giảm cân thì cũng làm cho bạn khỏe hơn. Các nhà khoa học ở Phần Lan đã chứng minh, những ai tập luyện khoảng 4 tiếng một tuần, trung bình 35 phút mỗi ngày có thể giảm nguy cơ bị đái tháo đường tới 80%.

Tại sao đi bộ lại có tác dụng kỳ diệu đến vậy, nguyên nhân là vận động giúp cơ thể sử dụng hormone insulin hiệu quả hơn bằng cách tăng số lượng cơ quan thụ cảm insulin vào tế bào. Insulin giúp vận chuyển đường máu vào tế bào, địa chỉ cần đến để cung cấp năng lượng và dinh dưỡng, nếu không nó sẽ quẩn quanh trong mạch máu, bám dính vào thành mạch máu dần dần sẽ sinh ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

4. Bỏ thuốc lá và chất kích thích tạo cuộc sống lành mạnh phòng ngừa nguy cơ tiểu đường.

5. Ngủ ngon cũng là cách ngăn ngừa đái tháo đường.

Một nghiên cứu của Đại học Yale, Mỹ đối với 1.709 nam giới phát hiện những ai thường chợp mắt chưa đầy 6 tiếng mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh cao gấp hai lần bình thường. Khi mất ngủ, hệ thống thần kinh bị rối loạn sẽ tác động tới hormone kiểm soát lượng đường huyết. Để ngủ ngon, tránh uống cà phê buổi tối, xem tivi quá khuya và hãy gác công việc lạ

6. Kiểm tra huyết áp, cholesterol và máu thường xuyên.

Bệnh nhân tiểu đường túyp 2 thường bị cao huyết áp và lượng cholesterol cao. Vậy nên người bệnh nên duy trì huyết áp ở mức thấp hơn 130/80mmHg để ngăn ngừa các bệnh đi kèm bệnh tiểu đường. Ngoài ra, bạn cũng nên tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng 1 lần để phát hiện sớm bệnh tiểu đường và cả các bệnh khác, điều trị bệnh tiểu đường sớm bao giờ cũng tốt và dễ hơn.

V. Cách điều trị bệnh tiểu đường

1. Điều trị bệnh tiểu đường bằng chế độ ăn uống

  • Giữ lịch các bữa ăn đúng giờ. Chỉ ăn thịt tối đa trong 2 bữa, các bữa còn lại nên bổ sung nhiều rau và các sản phẩm ngũ cốc.
  • Loại bỏ các thức ăn nhiều mỡ. Sẽ rất có lợi nếu ăn nhiều thức ăn có ít năng lượng như rau, nấm khô, dưa chuột…
  • Không được bỏ bữa, ngay cả khi không muốn ăn.
  • Làm mọi việc để gây cảm giác ngon miệng.
  • Ăn chậm, nhai kỹ.
  • Dù ngon miệng cũng không ăn quá nhiều.
  • Chế biến thức ăn dưới dạng luộc và nấu chín là chính, không rán, chiên, dùng mỡ động vật.
  • Khi cần phải ăn kiêng và hạn chế số lượng, cần phải giảm thức ăn một cách từ từ, theo thời gian.
  • Không ăn kiêng một cách đột ngột sẽ có tác động xấu đến đường huyết.
  • Khi đã đạt được mức yêu cầu cần duy trì chế độ ăn kiêng một cách kiên nhẫn, không được tăng, giảm tuỳ ý.
  • Tuân thủ nguyên tắc thức ăn đa dạng, nhiều thành phần, ăn đủ để có trọng lượng vừa phải, hạn chế ăn chất béo, đặc biệt là mỡ động vật, ăn một lượng vừa phải chất xơ, hạn chế ăn mặn, tránh rượu bia và thức uống có cồn.
  • Nên có bữa phụ trước khi đi ngủ, có thể chỉ cần một ly sữa hay một lát dưa hấu.

2. Điều trị bệnh tiểu đường bằng chế độ vận động

Theo khuyến cáo của Liên đoàn đái tháo đường thế giới, bệnh nhân đái tháo đường type 2 nên tập luyện tổng cộng 30 – 45 phút mỗi ngày, từ 3-5 ngày mỗi tuần hoặc 150 phút/tuần. Loại vận động dẻo dai như đi bộ, chạy, bơi, nhảy dây, đi xe đạp, nên đạt đủ cường độ nhằm làm tăng nhịp tim và tần số hô hấp. Khuyến khích tập luyện đối kháng 3 lần/tuần.

Khi đã xuất hiện biến chứng, biến chứng thần kinh ngoại biên và tự chủ, người bệnh nên vận động nhẹ nhàng, không mang vác vật nặng, nên bơi lội, đạp xe, chèo thuyền, tập luyện các động tác ngồi tại chỗ, vận động tay. Tránh các vận động chạy trên thảm, tập kéo dài, chạy bộ, tập luyện chân.

Khi xuất hiện các biến chứng bệnh thận, bệnh nhân tiểu đường nên hoạt động từ nhẹ đến vừa, tránh hoạt động cường độ cao.

Khi xuất hiện những biến chứng như bệnh võng mạc người bệnh nên chơi các môn thể thao ít tác động lên tim mạch như: bơi lội, đi bộ, bài tập dẻo dai nhẹ, đạp xe tại chỗ, bài tập sức bền. Tránh các hoạt động cần sức mạnh như cử tạ, chạy bộ, quần vợt, tập luyện dẻo dai mạnh.

3. Điều trị bệnh tiểu đường bằng thảo dược

Một số thảo dược rất tốt cho người bệnh tiểu đường điển hình như mướp đắng, nha đam, dây thìa canh, cây cà ri, cây húng quế, lá xoài… Người bệnh có thể kết hợp bổ sung các thảo được này trong chế độ ăn uống sẽ tốt trong quá trình điều trị.

Ngày nay đã có viên uống tiểu đường DK Betics từ dây thìa canh và dây thìa canh lá to (100% thảo dược) giúp ổn định đường huyết rất tốt mà không khiến người bệnh mệt mỏi như sử dụng thuốc tây.

4. Điều trị bệnh tiểu đường bằng thuốc

Trong bệnh tiểu đường typ 1, các tế bào beta tuyến tụy bị hủy hoại nên không tiết ra được insulin cho cơ thể. Lúc này bệnh nhân cần phải được điều trị bằng insulin.

Đối với bệnh tiểu đường tuýp 2, hiện tượng thiếu chất insulin do 3 bất thường giảm insulin, kháng insulin và tăng sản xuất glucose từ gan. Do đó việc chữa bệnh tiểu đường cần phải dùng các nhóm thuốc hạ đường huyết loại uống làm cho cơ thể tăng sản xuất chất insulin, làm giảm tình trạng kháng insulin, và ngăn ngừa hiện tượng hấp thụ carbohydrat ở ruột. Mọi chỉ định về dùng thuốc cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.