Còi xương là một tình trạng sức khỏe phổ biến ở trẻ nhỏ. Vậy trẻ bị còi xương là do thiếu chất gì và làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về các nguyên nhân gây còi xương và cách bổ sung dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện?
Còi xương ở trẻ em
Còi xương là một dạng rối loạn thường gặp ở trẻ em, phần lớn trẻ bị còi xương nằm trong độ tuổi dưới 3 tuổi. Do đây là khoảng thời gian hệ xương của trẻ đang phát triển mạnh, nếu không được cung cấp đủ các dưỡng chất để phát triển, có thể để lại nhiều di chứng nghiêm trọng cho trẻ.
Còi xương chủ yếu do sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng, khiến cho xương trẻ trở nên giòn, yếu và dễ gãy hơn bình thường. Do đó, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ dễ mắc phải các tình trạng như: chân cong chữ X, chữ O, biến dạng lồng ngực… Vì vậy, mẹ cần lắng nghe cơ thể trẻ để có thể nhận biết các dấu hiệu của bệnh còi xương từ giai đoạn sớm.
Xem thêm: Thực đơn cho trẻ bị còi xương
Trẻ bị còi xương do thiếu chất gì?
2.1. Thiếu hụt Vitamin D
Vitamin D là một vitamin tan trong chất béo, có vai trò tăng cường hấp thụ calci và phospho từ ruột vào máu, rồi chuyển đến các cơ xương, giúp tăng cường mật độ xương và phát triển cơ bắp. Bên cạnh đó, vitamin D cũng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho bé, bảo vệ bé trước nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp, dị ứng hay một số bệnh tự miễn khác.
Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị còi xương do thiếu hụt vitamin D như:
- Người mẹ bị thiếu vitamin D trong quá trình mang thai trẻ.
- Trẻ bú sữa mẹ kéo dài mà không được bổ sung thêm vitamin D: Sữa mẹ thường chứa lượng vitamin D ít hơn liều lượng vitamin D được khuyến nghị để ngăn ngừa sự thiếu hụt là 10mcg mỗi ngày đối với trẻ sơ sinh.
- Trẻ không được tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời: một số bậc phụ huynh lo lắng trẻ có thể bị ốm nên thường không để bé ra ngoài. Tuy nhiên, việc làm như vậy có thể gián tiếp dẫn đến tình trạng còi xương ở trẻ. Ánh nắng mặt trời có vai trò quan trọng trong việc giúp tăng cường tổng hợp vitamin D cho trẻ.
- Chế độ ăn của trẻ không hợp lý: Chế độ ăn thiếu các loại vitamin và khoáng chất.
- Ngoài ra, một số yếu tố môi trường như nhà ở quá chật chội, ô nhiễm môi trường,… cũng có thể là yếu tố nguy cơ dẫn tới tình trạng trẻ bị còi xương.
2.2. Thiếu canxi
Canxi là một chất khoáng thiết yếu cấu tạo nên hệ xương và răng ở trẻ nhỏ. Trong cơ thể, canxi có chủ yếu trong xương, một phần nhỏ có trong các dịch và tế bào của cơ thể. Nếu trẻ bị thiếu hụt lượng canxi cần thiết, sẽ có cơ chế tăng lấy canxi ra khỏi xương để bù đắp cho cơ thể trẻ. Tình trạng này kéo dài, xương của bé sẽ trở nên giòn, yếu và dễ gãy.
Nguyên nhân gây thiếu canxi ở trẻ em chủ yếu do thiếu canxi hoặc ít canxi trong khẩu phần ăn hàng ngày được hấp thu ở ruột non. Ngoài ra, nếu trẻ gặp vấn đề về hệ tiêu hoá hay mắc các bệnh lý về thận sẽ khiến thận tăng đào thải canxi, và đây cũng là lý do dẫn đến còi xương do thiếu canxi ở trẻ.
2.3. Thiếu phospho
Phospho có nhiều trong các loại thực phẩm và được hấp thu tại ruột. Phần lớn lượng phospho trong cơ thể sẽ kết hợp với canxi để hình thành xương và răng. Do đó, sự thiếu hụt phospho có thể làm ảnh hướng tới quá trình hình thành xương của trẻ dẫn đến tình trạng trẻ bị còi xương.
2.4. Thiếu vitamin K
Vitamin K do một loại vi khuẩn trong ruột già sản sinh ra. Nhờ có vitamin K, canxi và protein mới có thể liên kết với nhau, hỗ trợ vận chuyển canxi đi tới các mô xương. Điều này cũng có khả năng làm giảm sự lắng đọng canxi trong lòng mạch, ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch cho trẻ.
2.3. Thiếu magie
Magie là một chất khoáng thiết yếu và tham gia vào nhiều phản ứng khác nhau trong cơ thể, trong đó có hỗ trợ kích hoạt vitamin D và canxi giúp cho hệ xương chắc khỏe. Thiếu magie thường do trẻ bị giảm hấp thu magie ở ruột hoặc một số bệnh lý làm tăng đào thải magie qua đường nước tiểu.
Xem thêm: Thực đơn vàng cho trẻ bị còi xương
Cách phòng ngừa còi xương cho trẻ
Mẹ có thể tham khảo một số cách sau phòng tránh bệnh còi xương cho trẻ:
- Ngay từ khi mang thai, mẹ cần lưu ý bổ sung đầy đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
- Đảm bảo cung cấp đủ và cân đối các dưỡng chất cho trẻ theo khuyến nghị của bác sĩ, ưu tiên các thực phẩm giàu canxi, vitamin như: sữa và các sản phẩm từ, cá hồi, cá tuyết, tôm, nấm, các loại rau …
- Tắm nắng đều đặn mỗi ngày, trung bình khoảng 15-20 phút. Khi tắm nắng cho trẻ, mẹ lưu ý nên để lộ chân tay trẻ để trẻ có thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, tăng khả năng hấp thu vitamin D.
- Bổ sung các vitamin và khoáng chất cho trẻ theo đường uống.
Việc trẻ bị còi xương không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất mà còn tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lý sau này. Nguyên nhân chính thường xuất phát từ sự thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng như canxi, vitamin D, phốt pho, và các yếu tố liên quan đến chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt. Tuy nhiên, đây là vấn đề hoàn toàn có thể khắc phục. Hãy chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ một cách khoa học và đúng cách, vì một khởi đầu khỏe mạnh hôm nay chính là nền tảng vững chắc cho tương lai của con em chúng ta.